Những điều bạn nên biết về cảm biến máy ảnh
Ở trong bài hướng dẫn vệ sinh máy ảnh thì mình có nhắc đến cảm biến nên tiện bài này mình sẽ giới thiệu cho các biết một số điều cơ bản về cảm biến máy ảnh nhé
Cảm biến (sensor) là bộ phận quan trọng nhất của chiếc máy ảnh với chi phí sản xuất đôi khi chiếm 1/3 giá trị của chiếc máy. Nó thực chất là một tấm silicon chứa các tế bào quang điện có tác dụng thu nhận ánh sáng và chuyển đổi những gì bạn thấy qua kính ngắm hoặc màn hình LCD thành hình ảnh.
“Tấm silicon” này còn là yếu tố quyết định tới kích cỡ ảnh, độ phân giải, khả năng chụp thiếu sáng và thậm chí là kích thước của máy ảnh …
Một số loại cảm biến máy ảnh
Ngày nay, hầu hết các camera đều sử dụng một trong hai loại công nghệ cảm biến là CCD và CMOS
Trước kia, cảm biến CCD luôn có chất lượng hình ảnh tốt hơn cảm biến CMOS nhưng quá trình lắp ráp khó khăn và tiêu thụ điện năng quá nhiều. Khi công nghệ ngày càng phát triển thì cảm biến CMOS đã có những đột phá mới khiến chất lượng hình ảnh tăng lên đáng kể, và không lâu sau CMOS đã soán ngôi CCD để đứng đầu thị trường.
Kích cỡ của một số loại cảm biến
Kích cỡ cảm biến cũng quyết định khá nhiều đến vấn đề giá thành của camera. Hiện tại có rất nhiều kích cỡ cảm biến khác nhau nhưng mình chỉ liệt kê một số loại cảm biến phổ thông nhất thôi nhé.
1. Medium Format
Đây là loại cảm biến lớn nhất được sản xuất tại thời điểm hiện tại. Hiện tại có một vài hãng sản xuất loại máy ảnh có cảm biến này như Pentax: kích cỡ cảm biến là 43.8 x 32.8 mm. Một vài dòng máy của Hasselblad và PhaseOne có kích cỡ cảm biến là 40.2 x 53.7mm.
Ưu điểm: độ phân giải lớn, dải Dynamic Range lớn, ảnh cực kì chi tiết. Tuy nhiên do vấn đề chi phí nên phần lớn cảm biến này chỉ được trang bị trên các dòng máy ảnh chuyên nghiệp
2. Full Frame
Kích cỡ tiêu chuẩn của loại cảm biến này là 36 x 24mm, nó được gọi là full frame, vì nó giống như khung của phim 35mm tiêu chuẩn.
Ưu điểm: chất lượng ảnh tốt, tuy giá thành không cao như Medium Format nhưng cảm biến Full-frame cho chất lượng đạt chuẩn có thể đáp ứng đa phần nhu cầu của các photographer chuyên nghiệp.
3. APS-C và APS-H
Hai loại này còn gọi là cảm biến crop. Đối với cảm biến này, khi lắp ống kính, ta phải lấy tiêu cự trên ống kính nhân 1.6 hoặc 1.3 (đối với Canon) hoặc 1.5 (Đối với Nikon, Pentax, Sony,..) để có được tiêu cự theo chuẩn full-frame.
APS-H có kích thước cảm biến là 28.7mm x 19mm
APS-C có kích thước cảm biến là 23.6mm x 15.8mm
Ưu điểm: giá thành rẻ, chất lượng hình ảnh ổn. Phù hợp với nhu cầu và túi tiền của đông đảo người dùng, kích cỡ gần giống cảm biến super 35 của máy quay phim.
4. Micro Four Thirds
Hay còn gọi là cảm biến M4/3, là một dòng máy ảnh có cảm biến có diện tích bằng 1/4 cảm biến 35m được sản xuất bởi Olympus và Panasonic. Ống kính khi được gắn vào M4/3 thì tiêu cự sẽ được tăng gấp đôi.
Ưu điểm: giá thành không quá cao bởi hãng giảm giá thành thân máy để tập trung vào chất lượng ống kính.
Độ phân giải của cảm biến
Có thể các bạn đã nghe nói về số megapixel trên cảm biến càng lớn thì hình ảnh của bạn sẽ càng đẹp nhưng điều này không đúng lắm. Chất lượng hình ảnh không phụ thuộc hoàn toàn vào số pixel lớn hay nhỏ mà thay vào đó là số pixel phải phù hợp với kích thước của cảm biến.
Tạm Kết
Kiến thức về nhiếp ảnh vô cùng rộng lớn nên bài này cũng chỉ chia sẻ được kiến thức cơ bản trong tầm hiểu biết của mình nhưng hi vọng nó sẽ giúp ích được cho các bạn mới. Nếu cần hỗ trợ gì hãy inbox cho mình qua Fanpage hoặc Group dưới đây nha ^^
Tham gia trang Chia sẻ Presets And More
Tham gia Preset And More Group
Bài viết này được chia sẻ miễn phí trên website presetsandmore. Nếu có thể hãy donate giúp mình để mình có chi phí duy trì và phát triển website nhé. Xin cám ơn các bạn rất nhiều